BÁC SĨ NGUYỄN VĂN KHOAN

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

CẦN LƯU Ý TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH MỘT CUỘC MỔ



Hiện nay, do tình hình phát triển chung của xã hội, mỗi người đều có nhu cầu sống cao, cần phải mưu sinh trong những điều kiện kinh tế khắc nghiệt, con người chịu nhiều cám giỗ của vật chất, tiền bạc. Chính vì thế mà sự dụ lợi cá nhân trong xã hội ngày càng nhiều. Ngành y tế cũng vậy, nhiều khi người bệnh đã khổ vì bệnh tật đã đành, lại khổ hơn khi đi khám bệnh mà gặp phải những thầy thuốc vì cái lợi ích vật chất cá nhân mà làm tổn hại không ít bệnh nhân. Mà ở đó, mức độ nhẹ nhất là tiền mất tật mang, hoặc thậm chí vì sự chỉ định điều trị, mổ xẻ quá tay của bác sĩ mà làm bệnh thêm trầm trọng, và đôi khi tàn phế hoặc tử vong. Tệ hại hơn nữa là bệnh nặng kéo dài làm cho bệnh nhân sức cùng lực kiệt cả về sức khỏe lẫn tiền bạc.
Chính vì vậy, là một bác sĩ đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề, đã gặp vô số hoàn cảnh bệnh nhân khác nhau, bên cạnh là nhiều đồng nghiệp bậc thầy có, bậc đàn anh chị có, ngang hàng có, đàn em út cũng có. Người tốt - kẻ xấu, người giỏi - kẻ dở. Thế nên, tôi muốn chia sẻ với quí vị về những vấn đề liên quan đến bệnh tật và khi cần khám bệnh, nên biết cách chọn cho mình một thầy thuốc tốt, đúng chuyên khoa để giảm thiểu rủi ro mất mác do thầy thuốc/thầy lang gây ra.
Vì vậy, khi đi khám bệnh, tuyệt vời nhất là chọn đúng bác sĩ giỏi, có tâm và đúng chuyên khoa của bác sĩ đó. Nói điều này thì đơn giản nhưng làm được là không phải dễ dàng. Vì ở Việt Nam ta, bệnh tật thì nhiều, bệnh viện thì luôn quá tải. Bệnh nhân đi khám bệnh ở các bệnh viện lớn tuyến chuyên khoa sâu phải xếp hàng, lấy số thứ tự, theo sự phân bệnh của nhân viên điều dưỡng. Tới lượt thì nghe kêu vào phòng nào thì phải vào phòng đó khám chứ có được chọn lựa bác sĩ đâu ?
Lo lắng nhất có lẽ là sau khi khám bệnh, bác sĩ cho biết bệnh và bảo phải mổ. Việc mổ xẻ đối với bệnh nhân là một điều cực kỳ lo sợ. Sợ có bị tai biến chết chóc gì không? Có bị liệt hay rủi ro tàn phế gì không ? Sợ đau, sợ tốn tiền không kham nổi và sợ phải nằm viện lâu, mất công ăn việc làm... Tuy nhiên, theo tôi thì việc cần lo lắng hơn cả trước tình huống này chính là chẩn đoán của bác sĩ có đúng không ? Chỉ định mổ trong trường hợp này là đúng không, thực sự cần thiết chưa ? Còn phương pháp nào có thể thay thế cho việc mổ xẻ không ? Và trước khi đưa ra quyết định sau cùng thì bệnh nhân cần đặt ra những câu hỏi sau một cách tế nhị, nhẹ nhàng:
1/ Chẩn đoán bệnh phải rõ ràng: Phải có bằng chứng thuyết phục cho thấy chẩn đoán của bác sĩ là chính xác (dựa vào các kết quả chụp, chiếu, siêu âm, xét nghiệm ...). Vì không ít trường hợp chẩn đoán sai, đẫn đến bệnh nhân phải chịu một cuộc mổ oan, tốn tiền mà không hết bệnh hoặc bệnh nặng thêm. Bác sĩ có tâm thì phải giải thích kỹ cho bệnh nhân. Bất kỳ một sự lập lờ, không rõ ràng nào đều phải được làm rõ trước khi quyết định đồng ý mổ.
2/ Lý do tại sao phải mổ ? Nếu không mổ thỉ hậu quả như thế nào có thể xảy ra ? Cũng có nhiều bệnh, nhiều trường hợp bệnh nhân không mổ vì nhiều lý do khác nhau, vẫn có thể sống chung với bệnh được, tuy chất lượng cuộc sống không như ý muốn. Nhưng cũng có trường hợp bắt buộc phải mổ, nếu không, bệnh sẽ tiến triển và gây ra biến chứng, thậm chí tử vong. Tránh bị mổ oan, mổ quá chỉ định.
Một ví dụ điển hình là bệnh nhân tên Nguyễn Thị R, 72 tuổi, ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, vào một bệnh viện tư nhân chuyên khoa Chấn thương - Chỉnh hình ở quận Tân Bình, TP HCM vào đầu năm 2011, do đau thắt lưng và vùng hông bên trái kéo dài, điều trị không khỏi. Bệnh nhân được chẩn đoán là thoái hóa cột sống thắt lưng, loãng xương. Bệnh nhân được mời bác sĩ TQH của bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP HCM mổ đặt 6 ốc chân cung vùng thắt lưng. Sau mổ bệnh nhân không những không hết mà còn đau nặng thêm, phải nằm viện hơn 1 tháng, với tổng chi phí hơn 200 triệu, mất công ăn việc làm các con nuôi bệnh, sau mổ bệnh nhân đau ngày càng nặng hơn. Tuy nhiên, do không còn tiền để nằm viện nên phải xin về, sau đó bệnh nhân được điều trị loãng xương tích cực hơn 1 năm thì bệnh nhân mới hết đau. Bệnh nhân hết đau nhờ điều trị loãng xương chứ không phải nhờ mổ.
Trường hợp thứ hai là một cụ bà ở Củ Chi, bị bướu trong ống sống ở cột sống ngực, nhưng bác sĩ khám cho chụp cộng hưởng từ, thấy có khối thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhỏ, không tương xứng với mức độ đau của bệnh nhân (nghĩa là khối thoát vị không phải là thủ phạm gây đau, không cần mổ). Nhưng bác sĩ đã mổ thoát vị đĩa đệm, sau mổ bệnh nhân tốn tiền, nhưng đau ngày càng tăng và liệt dần 2 chân, phải nhập một bệnh viện khác để mổ lấy khối bướu trong ống sống. Cuộc mổ lần đầu chỉ là giả tạo, dối trá lấy tiền.
Một trường hợp khác đau lòng hơn nữa là một bệnh nhân nữ, 24 tuổi, vừa mới tốt nghiệp đại học, đang làm việc cho một công ty của Nhật, về quê chuẩn bị lập gia đình với một tương lai tươi sáng phía trước. Bệnh nhân tên Ngô Thị Hồng Nh, quê Bình Định, vô ý trượt chân té trong nhà tắm, đau thắt lưng do chấn thương cột sống-Gãy lún đốt sống thắt lưng 1 (L1), không liệt, không bí tiểu. Bệnh nhân nhập viện, được tiến sĩ - bác sĩ T mổ mở toàn bộ bản sống từ ngực 12 (D12) đến thắt lưng 3 (L3), cố định bằng 4 ốc chân cung, 2 thanh nối dọc từ D12 đến L2.
Sau mổ bệnh nhân liệt hoàn toàn 2 chân, bí tiểu, rối loạn đi cầu vĩnh viễn, teo cơ 2 chân không hồi phục. Bệnh nhân coi như tàn phế vĩnh viễn do sai lầm của bác sĩ, mà lẽ ra, trường hợp này chỉ cần điều trị bảo tồn bằng cách cho bệnh nhân nằm nghỉ tại giường 1,5 - 2 tháng, tập hít thở, tập nhẹ nhàng cơ thân, xoay trở. Sau 1,5 – 2 tháng là xương lành, không cần mổ, không tốn kém lại an toàn. Trong chấn thương gãy cột sống chỉ mổ khi gãy không vững, liệt hạ chi, bí tiểu tiện. Đa số trường hợp gãy vững, không liệt, không bí tiểu đều có thể điều trị bảo tồn.
 Hình cộng hưởng từ (MRI) trên cho thấy bản sống đã bị mở từ D12 đến L3 (hình bên trái-mũi tên vàng), 4 ốc chân cung và 2 thanh nối dọc ở đốt sống D12 đến L2 (mũi tên đỏ và xanh).
3/ Khả năng thành công cũng như các rủi ro của cuộc mổ có thể xảy ra với người bệnh ? Nếu rủi ro cao, thành công thấp, không đến 80% thì nên xem lại. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp được tiên lượng là tốt sau mổ thì cũng có khả năng tai biến, biến chứng dù rằng rất thấp, mà người bệnh phải chấp nhận. Vì không có cuộc mổ nào là an toàn tuyệt đối cả.
4/ Chi phí cho cuộc mổ khoảng bao nhiêu để có thể lo liệu ? Một số trường hợp sau mổ phát sinh thêm các vấn đề làm trầm trọng thêm cho bệnh nhân, phải tốn thêm tiền. Nếu mổ ở một bệnh viện tư nhân thì trước khi nhập viện, bệnh nhân và gia đình nên thỏa thuận với bác sĩ về: tổng chi phí cho một cuộc mổ ? thời gian nằm viện ước lượng là bao lâu ? Tổng chi phí của một cuộc mổ bao gồm: tiền công phẫu thuật, công gây mê (tê), tiền giường nằm điều trị, tiền thuốc cho đợt nằm viện, tiền dụng cụ cấy ghép vào cơ thể (ốc, nẹp, nêm đĩa đệm …) nếu có. Nếu sau mổ phát sinh thêm chi phí thì phải có lý do rõ ràng. Đặc biệt không nên đưa tiền bao bệnh trọn gói cho bác sĩ, vì khi đó, chính bác sĩ sẽ là người thanh toán viện phí cho bệnh nhân và hưởng tiền chênh lệch. Do đó, tất cả những dụng cụ cũng như thuốc men, ốc, nẹp, tiền phòng … đều được bác sĩ sử dụng loại rẻ tiền nhất, tiết kiệm nhất. Nhiều trường hợp bệnh nhân đau nhưng không dùng nhiều thuốc giảm đau, hoặc chỉ dùng loại rẻ tiền. Thậm chí bệnh nhân bị mất nhiều máu sau mổ nhưng bác sĩ không cho truyền máu, rất nguy hiểm cho tính mạng. Điều này rất nguy hiểm, dễ sinh tai biến, biến chứng sau mổ, hay kết quả lâu dài không tốt (sau mổ, bệnh nhân hết đau, nhưng sau vài tháng, vài năm, bệnh nhân bị đau lại do tái phát, gãy ốc, gãy nẹp …).
Trước khi ký vào biên bản cam kết chấp nhận cuộc mổ, cả bệnh nhân và gia đình phải thông suốt, được bác sĩ giải thích kỹ thì mới quyết định. Bệnh nhân và gia đình phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một cuộc mổ để tránh những việc hiểm lầm, tranh chấp về sau.
Trong quá trình tư vấn phẫu thuật, người bệnh cần chuẩn bị những câu hỏi cần thiết trên. Thông qua quá trình trao đổi, tư vấn thì người bệnh cũng như thân nhân sẽ phần nào dự đoán được khả năng chuyên môn của bác sĩ thông qua các kiến thức, lý giải mà bác sĩ cung cấp cho người bệnh.
Ngoài ra, để biết khả năng chuyên môn của bác sĩ, cũng nên cần khéo léo tìm hiểu ở những người xung quanh, nhưng tránh nghe lời một sống kẻ xấu lợi dụng làm cò, lôi kéo trục lợi, giới thiệu một số bác sĩ lấy tiền hoa hồng. Ngày nay có rất nhiều người làm cò trục lợi trên thân xác bệnh nhân: bác sĩ không biết mổ giới thiệu bệnh cho một số bác sĩ biết mổ, y tá - điều dưỡng, hộ lý, bảo vệ ... giới thiệu bệnh cho bác sĩ mổ (những người làm trong bệnh viện cũng có khi là cò).
Tốt hơn hết là người bệnh và gia đình cần có kiến thức, tự tìm hiểu thêm về y khoa những bệnh tật của mình, đối chiếu với tư vấn của bác sĩ. Tìm hiểu bề dày kinh nghiệm, thành tích học tập, làm việc ... Và những nhân chứng sống, đó chính là những bệnh nhân đã từng qua tay của các sĩ đó. Có như vậy mới có thể tránh bị một cuộc mổ oan, cũng như các tai biến biến chứng mắc phải có thể do bác sĩ yếu chuyên môn hoặc do trục lợi (kém y đức).
Dưới dây là những ca mổ minh họa:
1/ Bệnh nhân nữ, 53 tuổi, đau thắt lưng lan 2 chân điều trị nhiều năm không hết, đau ngày càng nhiều nên nhập viện phẫu thuật.
Hình X quang cột sống thắt lưng thẳng-nghiêng cho thấy trượt đốt sống L5/S1.
 
Hình X quang động cho thấy trong tư thế cúi tối đa, mức độ trượt đốt sống tăng lên; trong tư thế ngửa tối đa, mức độ trượt giảm đi, nhưng khe đĩa đệm bị hẹp lại. Điều đó chứng tỏ có sự mất vững rõ rệt tầng L5/S1.
Hình chụp cộng hưởng từ (MRI) bên dưới cho thấy trượt đốt sống L5/S1, thoát vị đĩa đệm L5/S1 làm hẹp ống sống tương ứng (mũi tên đỏ).
Bệnh nhân được mổ bởi một bác sĩ mới tập tành vào nghề. Cuộc mổ kéo dài hơn 8 giờ, mất 1,5 lít máu.
Mổ lộn tầng, sai kỹ thuật, mở bản sống quá mức, mở toàn bộ từ bản sống L5 lên đến hến bản sống L4 (trong khi tầng L4/L5 không có bệnh). Bắc ốc chân cung quá dài, qua khỏi bờ trước các đốt sống L5 và S1 vào ổ bụng (cạnh động mạch chủ rất nguy hiểm). Đặc biệt hai ốc bắc vào S1 quá thấp, dễ tổn thương rễ thần kinh. Bệnh nhân chỉ được mổ giải ép, cố định bằng dụng cụ 4 ốc chân cung, hai thanh nối dọc, không có nêm PEEK hàn liên thân đốt. Trường hợp này, có thể bệnh nhân có hết đau sau mổ. Tuy nhiên, nguy cơ gãy ốc chân cung là hầu như rất cao về sau. Đặc biệt nguy cơ làm trượt, mất vững thêm tầng L4/L5 sau này (do đã mở toàn bộ bản sống L4).
 Hình X quang cho thấy ốc chân cung cả L5 và S1 đều quá dài, qua khỏi bờ trước thân đốt sống, vào ổ bụng.
Đĩa đệm L5/S1 cao nhưng lại không đặt nêm PEEK hàn liên thân đốt, và chưa được nắn trượt tốt.
Tổng chi phí cho một cuộc mổ trên 70 triệu, trong đó bảo hiểm Bảo Việt trả viện phí hơn 40 triệu (công mổ của bác sĩ: 15 triệu). Bệnh nhân trả tiền ốc hơn 35 triệu. Đắt gần gấp đôi so với bình thường.
2/ Bệnh nhân: Nam, 60 tuổi, đau thắt lưng lan chân phải nhiều tháng điều trị không hết. trước nhập viện, bệnh nhân đau nhiều không chịu nổi, nên nhập viện mổ.
 Hình X quang cho thấy hẹp đĩa đệm L5/S1, gai thoái hóa nhiều quanh đĩa đệm L5/S1, không có trượt đốt sống, cho thấy có sự tái tạo vững chắc ở tầng này.
Hình cộng hưởng từ (MRI) cho thấy khối thoát vị đĩa đệm L5/S1 dạng mảnh rời, rơi vào ống sống xuống dưới, chèn ép nặng rễ thần kinh S1 bên phải, kèm thoái hóa thân sống đĩa đệm L5/S1, hẹp và mất nước đĩa đệm L5/S1.
Đây chỉ là trường hợp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đơn thuần L5/S1, không trượt đốt sống, không mất vững cột sống. Nhưng bệnh nhân được một tiến sĩ bác sĩ mổ đặt dụng cụ L5/S1, hàn liên thân đốt với 1 nêm PEEK thẳng. Bệnh nhân phải chịu một cuộc mổ nặng nề đau đớn lại tốn kém hơn 100 triệu vô bổ.
Phân tích hình X quang sau mổ trên cho thấy: cột sống được đặt 4 ốc chân cung, 2 thanh nối dọc với 1 nêm PEEK thẳng - hàn liên thân đốt (mũi tên vàng). Tuy nhiên, nêm được đặt vào thân đốt sống L5 chứ không phải vào đĩa đệm L5/S1. Thực tế, đĩa đệm này đã hẹp sẵn, nên chỉ cần nén ép cho 2 mặt đốt sống L5 và S1 chạm vào nhau là đủ giúp cố định vững chắc và hàn xương mà không cần đặt nêm PEEK. Hai ốc chân cung bắc vào đốt sống S1 không đủ chiều dài (mũi tên đỏ).
Bệnh nhân này sau mổ đau thần kinh tọa nhiều hơn và rối loạn tiêu hóa nặng do dùng quá nhiều thuốc giảm đau.
3/ Bệnh nhân nam, 42 tuổi, bị đau lưng, thắt lưng sau té. Bệnh nhân nhập viện một bệnh viện tư, được bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh cho chụp X quang và cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng. Trên phim X quang thậm chí không thể nhìn thấy tổn thương cột sống. Phim cộng hưởng từ cho thấy có đường nứt nhẹ ở đốt sống thắt lưng 1 (L1), không có dấu hiệu chèn ép và không tổn thương tủy sống. Bệnh nhân không liệt chân, không bí tiểu. Trường hợp này là gãy vững, không tổn thương thần kinh. Nên có thể điều trị bảo tồn bằng cách cho bệnh nhân nằm nghỉ 1,5-2 tháng, sau thời gian này, xương gãy tự lành, bệnh nhân có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân đã được bác sĩ “ưu ái” cho thực hiện kỹ thuật bơm xi măng sinh học vào đốt sống qua chân cung. Thực tế thì kỹ thuật này ra đời cách nay không lâu, và các nhà lâm sàng trên thế giới chỉ áp dụng trong một phạm vi rất hạn hẹp, cho những trưởng hợp gãy lún xẹp đốt sống đơn thuần do loãng xương ở người cao tuổi, khi mà các biện pháp khác không thể thực hiện được nữa – do tuổi tác. Đối với gãy đốt sống ở người trẻ thì không có chỉ định điều trị theo phương pháp này. Việc làm cứng xương đốt sống bằng xi măng lắp khoảng trống ổ gãy sẽ làm bệnh nhân hết đau trước mắt. Nhưng về lâu dài, chính xi măng là vật thể cứng sẽ va chạm với cấu trúc xương sống (là vật thể mềm hơn) sẽ phá hủy cấu trúc của xương. Mặt khác, xi năng nằm chen giữa khe gãy xương sẽ làm xương gãy không lành. Vì vậy, tiên lượng lâu dài sẽ rất không tốt cho bệnh nhân, bệnh nhân không thể làm việc nặng được.
Hình chụp C.Arm sau khi bơm xi măng vào đốt sống L1
Ngày nay có rất nhiều bác sĩ mổ xẻ kiếm tiền trên thân xác bệnh nhân. Trình độ chuyên môn và lương tâm thầy thuốc của các bác sĩ là hai cái mà bệnh nhân cần lưu ý. Nhiều bác sĩ không học hành đến nơi đến chốn, không có bằng cấp chuyên khoa cũng đưa bệnh nhân vào các bệnh viện tư mổ xẻ. Lúc đầu nhờ các bác sĩ bậc đàn anh mổ, để đứng học việc, thực tập vài ca. Sau đó tự bác sĩ đứng ra mổ chính cho các bệnh nhân sau (thật bất hạnh cho những bệnh nhân sau đó). Đây là những bác sĩ học lóm, trở thành thợ mổ rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Nhiều bác sĩ không phải là phẫu thuật viên, mà là bác sĩ nội khoa, thậm chí là bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, không có chứng chỉ hành nghề lâm sàng, mổ xẻ. Ngược lại, có những bác sĩ có học vị cao nhưng trình độ chuyên môn rất yếu. Y khoa là biển kiến thức vô tận và luôn thay đổi theo thời gian. Một phương pháp điều trị có thể là tốt ở hiện tại, nhưng sau khoảng 5 – 10 năm sau lại trở thành lạc hậu, do có nhưng phương pháp mới thay thế hoàn hảo hơn, hiệu quả hơn, chăm sóc chất thương cuộc sống bệnh nhân tốt hơn. Mục tiêu điều trị cho người bệnh bao giờ cũng được các thầy thuốc chân chính hướng tới kết quả khỏi bệnh lâu dài, phục hồi hoàn hảo cả về chức năng, hình dáng và tính thẩm mỹ, với chi phí tiết kiệm nhất.
Vì vậy, hãy luôn sáng suốt trước khi quyết định mổ xẻ cho bản thân và người thân để tránh tiền mất-tật mang, và những tổn hại sức khỏe về sau.

2 nhận xét:

  1. Thưa bác sỹ. Bố e năm nay 50 tuổi bị ngã trên dàn giáo xuống bác sỹ chuẩn đoán bị gãy xẹp đốt sống số 2 hiện có 2 luồng ý kiến là bơm xi măng sinh học và mổ cố định bằng đinh. Theo bác sỹ thì vs độ tuổi bố còn lao động thì nên chọn phương pháp nào ạ! E cảm ơn bác sỹ!

    Trả lờiXóa
  2. Bác sĩ phân tích hay và có tâm quá ạ. Mẹ em bị ngã ngồi bị sẹp cột sống, ban đầu vào viện bác sĩ yêu cầu mổ, nhưng mẹ em sợ ko mổ, đi đông y đắp lá. Khoảng 2 tuần có thuyên giảm nhưng chưa đi lại đc, đặc biệt ko ngồi được, nằm thì không đau. E dang phân van có nen cho mẹ đi bơm xi măng sinh học không? Phương pháp này có phải là tối ưu không thưa bác sĩ? Liệu có thể cho dùng dinh dưỡng và thuốc đông y được ko ah? Mẹ em năm nay 60 tuổi ah. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Điều gia đình em lo nhất chính là nhưng trương hợp giống bác sĩ phân tích ở trên.

    Trả lờiXóa