BÁC SĨ NGUYỄN VĂN KHOAN

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG



Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là một bệnh thường gặp trong chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình nói chung và cột sống nói riêng. Khoảng 80% bệnh nhân có thể được cha khỏi bằng các biện pháp bảo tồn mà không cần phải mổ. Chính vì vậy, trong bài này, tôi muốn chia sẻ với mọi người muốn tìm hiểu về bệnh này biết cách tự chữa cho bản thân hoặc chọn cho mình một bác sĩ tốt nhất để tránh bị sai lầm hay lạm dụng trong điều trị.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm (nhân nhầy, vòng sợi, hoặc có cả mâm sụn) lệch khỏi vị trí bình thường của nó (thường do chấn thương), thường ra sau, chèn ép ống sống và thần kinh tọa, gây đau buốt và tê từ thắt lưng xuống 1 hoặc 2 chân. Nếu chèn ép nặng có thể gây yếu hoặc liệt chân, thậm chí bí tiểu (hội chứng chùm đuôi ngựa). Thoát vị đĩa đệm cũng có thể ra 2 bên hoặc ra phía trước, khi đó thường chỉ gây đau tại thắt lưng hoặc không đau, không ảnh hưởng thần kinh tọa.



 Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm ?
Thường gặp nhất là do chấn thương, có thể xảy ra đột ngột như cúi người khiêng vật nặng quá sức, té từ trên cao. Cũng có thể là những chấn thương nhẹ nhưng lại lặp đi lặp lại nhiều làn do nghề nghiệp như những người thường xuyên phải lao động nặng, tài xế lái xe phải ngồi lâu thường xuyên, sai tư thế như cúi người quá mức để khiêng nặng … do lực đè nén làm vỡ rách dây chằng dọc sau và đĩa đệm bị đẩy ra ngoài.

Đĩa đệm nào thường bị thoát vị nhất ?
Cột sống thắt lưng ở vùng thấp chịu sức nặng cơ thể nhiều nhất, do đó thoát vị đĩa đệm cũng thường xảy ra ở vùng này nhất, đó là các đĩa đệm thắt lưng thấp như L4/L5, L/S1.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây triệu chứng gì ?
Người bệnh bị đau từ thắt lưng lan ra mông, dọc xuống chân. Có thể xảy ra từ từ sau những chấn thương nhỏ nhưng lập đi lập lại nhiều lần, hoặc bệnh nhân bị đau chói đột ngột vùng thắt lưng sau khiêng vác nặng, sai tư thế. Đôi khi làm người bệnh bị vẹo cột sống, đi khom lưng và nghiêng về một bên. Đau tăng lên khi người bệnh ho, hắc hơi, đi lại nhiều, làm việc nặng, cúi gập người đột ngột. Khi người bệnh nằm nghỉ, dùng thuốc giảm đau trong một hoặc hai tuần thì bệnh sẽ giảm, tuy nhiên về sau có thể tái phát, nặng lên hoặc trở thành mạn tính kéo dài.
Rối loạn cảm giác: lúc đầu là tê, sau đó mất cảm giác từ mông, đùi xuống cẳng chân, bàn chân.
Liệt vận động: có thể yếu hoặc liệt hoàn toàn một hoặc hai chân.
Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị bí tiểu, căng tức hoặc tê bì vùng hậu môn sinh dục.
Khi được khám bởi bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh sẽ được hỏi kỹ bệnh sử và làm các nghiệm pháp thăm khám để xác định xem có phải đau thần kinh toạ thật sự hay đau do nguyên nhân khác, rễ thần kinh nào bị chèn ép, mức độ nặng của bệnh ra sao ? Tiếp theo là cần làm một số cận lâm sàng như chụp X quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán xác định hoặc loại trừ bệnh tuỳ trường hợp.
Chẩn đoán như thế nào ?
Chẩn đoán chính xác thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng dựa vào triệu chứng điển hình mà người bệnh khai, kết hợp với các dấu hiệu phát hiện được khi bác sĩ thăm khám người bệnh, đối chiếu với các dấu hiệu nhìn thấy được trên hình ảnh cộng hưởng từ (MRI).
Một sống bệnh lý khác cũng có thể gây đau thần kinh tọa tương tự thoát vị đĩa đệm như hẹp ống sống do thoái hoá cột sống, bướu trong ống sống, nhiễm trùng cột sống thắt lưng (đặc biệt là lao cột sống), viêm rễ thần kinh toạ, viêm cột sống dính khớp, viêm đa khớp dạng thấp, giả đau thần kinh toạ ở người bệnh tâm thần …
Thoát vị đĩa đệm L4/L5 bên trái, xuyên dây chằng dọc sau, rơi xuống nằm trong óng sống.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng được điều trị như thế nào ? Khi nào cần mổ ?
Các trường hợp cần thiết phải mổ bao gồm:
1.    Thoát vị đĩa đệm gây đau thần kinh tọa nặng, cấp tính.
2.    Thoát vị đĩa đệm đã được điều trị bảo tồn nhưng thất bại.
3.    Thoát vị đĩa đệm gây liệt vận động tiến triển.
4.    Thoát vị đĩa đệm tái phát.
5.    Thoát vị đĩa đệm gây hội chứng chùm đuôi ngựa, bí tiểu.
Ngoài năm trường hợp phải mổ như trên thì đa số các trường hợp còn lại (khoảng 80%) điều trị bảo tồn (nghỉ ngơi, dùng thuốc kết hợp luyện tập cơ thể) cho kết quả tốt.

Điều trị bảo tồn gồm những biện pháp nào ?
Biện pháp không dùng thuốc:
Nằm nghỉ tại giường một thời gian (thường 1-2 ngày) trong giai đoạn đau nhiều và cho hoạt động trở lại khi giảm đau. Sau đó cho người bệnh tập các động tác kéo giãn cột sống và tập tăng cường sức mạnh khối cơ thân như hít xà đơn, hít đất …
Dùng thuốc: Tuỳ tình trạng nặng nhẹ của người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ kết hợp các thuốc giảm đau, giảm viêm, giãn cơ, chống phù nề … Tiêm corticoid tại chỗ ngày nay ít sử dụng do nhiều biến chứng về sau.
Các thủ thuật giảm áp đĩa đệm:
a/ Kỹ thuật hoá ly giải nhân nhầy:
Ngày nay không còn sử dụng do liên quan đến nhiều tai biến cho bệnh nhân như: Viêm tủy cắt ngang, sốc phản vệ.
b/Giảm áp đĩa đệm bằng laser hay sóng radio cao tần qua da:
Được chỉ định hạn chế trong một số trường hợp thoát vị đĩa đệm còn vòng sợi. Các trường hợp khối thoát vị to, rách vòng sợi hoặc thể có mảnh rời thì hiệu quả kém.
 Có bao nhiêu phương pháp phẫu thuật ? Ưu khuyết điểm như thế nào?
Mục tiêu của phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm là giải phóng rễ thần kinh khỏi sự chèn ép bởi khối thoát vị, nhằm giúp bệnh nhân giảm đau, phục hồi vận động và sớm trở lại công việc ban đầu.
a/ Phương pháp mổ hở kinh điển:
Phẫu thuật lối sau với đường rạch da 4 cm đến 6 cm, cắt hoàn toàn một bản sống, mỏm gai, dây chằng vàng, bộc lộ màng cứng và rễ thần kinh, lấy khối thoát vị. Đây là một phẫu thuật tàn phá cấu trúc giải phẫu nhiều, gây mất vững về sau cho cột sống nên ngày nay không còn được áp dụng.
b/ Phẫu thuật ít xâm lấn:
Phẫu thuật cắt đĩa đệm qua đường mổ nhỏ lối sau với đường rạch da 3 cm, cắt một phần tối thiểu bản sống, cắt dây chằng vàng một bên, lấy khối thoát vị. Đây là một phương pháp ít tàn phá, không cần trang thiết bị đắt tiền nên phổ biến ở nước ta hiện nay.
c/ Phẫu thuật cắt đĩa đệm vi phẫu qua ống banh nội soi:
Đã được thực hiện đầu tiên ở Việt Nam bởi Phó giáo sư-Tiến sĩ Võ Văn Thành tại khoa cột sống A bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ thành công cao, thời gian nằm viện ngắn. Phẫu thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên phải thao tác hết sức nhuần nhuyễn với kính hiển vi phẫu thuật rất đắt tiền. Vì vậy vẫn chưa phổ biến rộng rãi ở Việt Nam hiện nay.
d/ Phẫu thuật cắt đĩa đệm nội soi qua lỗ liên hợp, lỗ liên bản sống: (Full endoscopic discectomy) phực hiện đầu tiên ở Cộng Hòa Liên Bang Đức với hiệu quả tốt ít tai biến, ít đau sau mổ. Bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày hoặc ngày hôm sau. Hiện nay nhiều nước trên thế giới áp dụng nhưng không phải bác sĩ phẫu thuật viên nào cũng làm được vì phải được đào tạo kỹ và có kỹ năng khéo léo của đôi bàn tay. Dụng cụ rất đắt tiền nên chi phí hơi cao.
 Các tai biến, biến chứng của phẫu thuật ra sao ?
a/ Các tai biến trong lúc mổ:
1)     Rách màng cứng, rò dịch não tủy.
2)     Tổn thương rễ thần kinh, chùm đuôi ngựa có thể liệt nếu phẫu thuật viên non kinh nghiệm.
3)     Tổn thương mạch máu, nếu mạch máu lớn có thể nguy hiểm tính mạng (phụ thuộc kinh nghiệm phẫu thuật viên).
4)     Tổn thương các tạng trong ổ bụng: ruột, niệu quản (hiếm gặp).
b/ Các biến chứng sau mổ:
1)     Tụ máu vết mổ.
2)     Nhiễm trùng vùng mổ.
3)     Đau thắt lưng kéo dài sau mổ.
Vì vậy điều trị thoát vị đĩa đệm phải có chỉ định thích hợp tuỳ từng giai đoạn chứ không phải lúc nào cũng mổ và mổ thì cũng có tỉ lệ tai biến biến chứng nhất định (mặc dù tỉ lệ thấp dưới 5%) chứ không phải luôn luôn an toàn tuyệt đối. Tỉ lệ thành công cao nhất cũng không quá 90 – 95%. Phương pháp mổ phổ biến ở Việt Nam hiện nay là mổ mở với đường mổ nhỏ và tốt nhất hiện nay là nội soi qua lỗ liên hợp hoặc lỗ liên sống nhưng phẫu thuật viên phải có kiến thức và khéo léo, được đào tạo bài bản, và đương nhiên người bệnh tốn tiền nhiều hơn mổ mở.
“Việc chỉ định đúng của người thầy thuốc bao giờ cũng mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh”.

1 nhận xét: